Các Cuộc thi khởi nghiệp
Sinh viên ĐH Duy Tân trong Đội vô địch CDIO Academy 2018, Nhật Bản
24/09/2018
Sau khi giành Cúp vô địch CDIO Academy 2013 tại Đại học Harvard và Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), 3 năm liên tiếp kể từ năm 2016 đến nay, Duy Tân luôn có sinh viên (SV) nằm trong Đội vô địch cuộc thi CDIO Academy toàn cầu.
Sinh viên Lê Quang Thành (áo đỏ) cùng thầy cô và bạn bè tại Học viện Kỹ thuật Kanazawa, Nhật Bản
Mới đây nhất, SV Lê Quang Thành, Khoa Điện-Điện tử của ĐH Duy Tân đã mang về chiếc Huy chương vàng khi đóng vai trò thành viên trong Đội vô địch CDIO Academy 2018 trong cuộc thi diễn ra tại Nhật Bản.
Cuộc thi CDIO Academy 2018 diễn ra tại Học viện Kỹ thuật Kanazawa (Nhật Bản) từ ngày 28.6 đến 1.7.2018 trong sự kiện Hội nghị CDIO Quốc tế thường niên lần thứ 14. Gần 40 SV khối ngành Kỹ thuật và Công nghệ đến từ các trường ĐH khác nhau đã được Ban Tổ chức (BTC) ghép thành 8 nhóm thi, mỗi nhóm có 5 thành viên để cùng nhau nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và trình bày ý tưởng. Từ chủ đề của cuộc thi năm nay: “Máy bay không người lái trong tương lai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta”, các nhóm đã lên ý tưởng và sử dụng các vật liệu cũng như công cụ hỗ trợ được BTC cung cấp để thiết kế và sáng tạo mô hình.
Trước khi cuộc thi chính thức diễn ra tại Học viện Kỹ thuật Kanazawa, các thành viên trong mỗi nhóm đã cùng làm việc online trong khoảng thời gian 2 tháng. Trong 3 ngày làm việc trực tiếp tại Kanazawa, nhóm của Lê Quang Thành đã quyết định thực hiện sản phẩm “Máy bay giao hàng tự động - Automatic Delivery Drone”.
Với khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt kết hợp cùng kinh nghiệm chế tạo robot khi cùng bạn bè thực hiện nhiều dự án tại ĐH Duy Tân, Quang Thành đã “kết nối” tốt với thành viên trong đội để triển khai ý tưởng. Quang Thành cũng là người đảm nhận nhiệm vụ thiết kế bản vẽ 3D và chế tạo mô hình sản phẩm cho nhóm. Vừa thực hiện vừa hiệu chỉnh, nhóm Quang Thành đã có lúc phải làm lại từ đầu, do đổi phương án kỹ thuật khi thời gian chỉ còn 1 ngày, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết cùng với sự nỗ lực, nhóm đã dựng thành công mô hình, chinh phục được Hội đồng Giám khảo, trở thành một trong những nhà vô địch Cuộc thi CDIO Academy 2018.
“Máy bay giao hàng tự động - Automatic Delivery Drone” của nhóm Quang Thành có nhiệm vụ nhận hàng từ băng chuyền sau đó tự động giao đến cho khách theo địa chỉ đã đặt hàng. Ưu điểm của sản phẩm là giúp cho việc giao hàng trở nên nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm được thời gian, nhân lực, giảm thiểu được tai nạn, không như các cách thức vận chuyển bằng xe tải, xe máy phải lưu thông trên đường. Ý tưởng của nhóm đã được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao bởi tính khả thi, có khả năng đưa vào áp dụng đại trà trong cuộc sống.
Sinh viên Lê Quang Thành (ngoài cùng bên trái - ảnh trên) và sinh viên Trish Maguta (nữ - ảnh dưới) trình bày ý tưởng sản phẩm tại cuộc thi
Trở về từ cuộc thi, Lê Quang Thành chia sẻ: “CDIO Academy là cơ hội để em vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã thu nhận được trên giảng đường ĐH Duy Tân vào thực tế... Qua đây, em muốn gửi lời cảm ơn tới ĐH Duy Tân đã tạo điều kiện để em được tham gia cuộc thi, giúp em không chỉ có cơ hội giao lưu, kết nối với bạn bè quốc tế mà còn được tận mắt ‘chiêm ngưỡng’ những ‘chú’ robot độc đáo - chính là niềm đam mê của em, trong đó đặc biệt phải kể đến ‘chú’ robot đã giúp Học viện Kỹ thuật Kanazawa trở thành Nhà Vô địch ABU ROBOCON 2013”.
Bên cạnh SV Quang Thành đã vinh dự nhận Huy chương vàng, còn có SV Duy Tân khác giành giải Ba tại Cuộc thi CDIO Academy 2018. Chủ nhân của giải thưởng này khá đặc biệt chính là Trish Maguta (đến từ nước Cộng hòa Zimbabwe), là SV quốc tế, năm 3, thuộc chương trình Du học Tại chỗ (ADP) ngành quản trị kinh doanh của ĐH Duy Tân hợp tác với ĐH Keuka, Hoa Kỳ. Với sản phẩm “Máy bay vận chuyển hàng hóa”, nhóm Trish đã tạo ra mô hình một chiếc máy bay có thể chở nhiều kiện hàng cùng một lúc, có thể giao đến nhiều địa điểm khác nhau trong cùng một khu vực. Sản phẩm này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí vận chuyển mà còn giúp hạn chế lưu thông nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
“Đến với Cuộc thi CDIO, em đã tiếp thu được nhiều kiến thức và có cơ hội được tiếp xúc và hợp tác với nhiều bạn bè trên thế giới, biết đến nhiều nền văn hóa khác nhau. Để có được những trải nghiệm tuyệt vời này không thể không kể đến sự hỗ trợ hết mình của ĐH Duy Tân. Các thầy cô đã tận tình hướng dẫn chúng em từ việc phác thảo ý tưởng, hướng dẫn thiết kế,… cho đến hỗ trợ kinh phí tham gia cuộc thi. Lần đầu tiên đến Nhật Bản, tuy còn nhiều bỡ ngỡ nhưng chúng em được tạo mọi điều kiện để thoải mái nhất; tự tin bước vào cuộc thi, chúng em đã có được kết quả khá tốt đẹp”, Trish Maguta chia sẻ.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị CDIO Quốc tế thường niên được tổ chức lần thứ 14, năm 2018 tại Học viện Kỹ thuật Kanazawa (KIT), Nhật Bản đã diễn ra cuộc họp và Bầu cử Thành viên Hội đồng CDIO. TS Trần Nhật Tân, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, ĐH Duy Tân đã vinh dự trúng cử Thành viên mở rộng của Hội đồng CDIO quốc tế, trở thành một trong hai đại diện của châu Á ở vị trí này.
Các bạn có thể xem thêm thông tin về ĐH Duy Tân trúng cử Đại diện Vùng cho châu Á trong Hiệp hội CDIO Thế giới tại đây: Đại diện Vùng cho châu Á.
Bài viết liên quan
- Cuộc thi CDIO MÔI TRƯỜNG VÀ CÔNG NGHỆ HÓA
- Đăng ký quan tâm và kết nối đội nhóm/mentor Cuộc thi SBC Canada 2021
- Thông báo cuộc thi HSSV Khởi nghiệp Quốc Gia 2020
- Trường Đại học Duy Tân: Thúc đẩy Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo trong Sinh viên
- Cuộc thi Sinh viên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm học 2019 - 2020 (SV.STARTUP DTU 2019 - 2020)