Hoạt động

Tọa đàm Chuyên đề “Sinh viên với quyền Sở hữu Trí tuệ”

13/12/2019

Sáng ngày 4/12/2019, Khoa Luật - Đại học Duy Tân phối hợp với Cục Sở hữu Trí tuệ - Văn phòng Đại diện tại Tp. Đà Nẵng tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề “Sinh viên với quyền Sở hữu trí tuệ”. Chương trình có sự tham dự của ThS. Ngô Phương Trà - Phó Văn phòng đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ tại Tp. Đà Nẵng cùng lãnh đạo Khoa và các giảng viên cùng sinh viên Khoa Luật - Đại học Duy Tân.
 
ThS. Phan Ngọc Hà phát biểu tại buổi Tọa đàm
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ThS. Phan Ngọc Hà - Phó trưởng Khoa Luật Đại học Duy Tân cho biết: “Sở hữu trí tuệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến, ngay cả trong môi trường giáo dục đại học với những hành vi sao chép giáo trình, tài liệu,... ngày càng tràn lan và khó kiểm soát. Vì vậy, việc tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ trong trường đại học là rất cần thiết nhằm giúp sinh viên tiếp cận thông tin, nâng cao ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong học tập, trong cuộc sống cũg như biết cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với thành quả sáng tạo của mình.”
 
Ngay sau đó, các báo cáo viên của Cục Sở hữu Trí tuệ - Văn phòng Đại diện tại Tp. Đà Nẵng đã cung cấp đến sinh viên khoa Luật - Đại học Duy Tân nhiều thông tin hữu ích. Cụ thể, Sở hữu trí tuệ, hay còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm được cấu thành do trí tuệ của con người. Tài sản trí tuệ ở đây có thể là các sáng chế, tác phẩm nghệ thuật, các thiết kế, biểu tượng, tên gọi, hình ảnh được sử dụng trong thương mại,…Tài sản trí tuệ là một tài sản vô hình, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Người tạo ra tài sản trí tuệ có quyền được ghi nhận và hưởng lợi ích từ sản phẩm do chính mình tạo ra.
 
Sinh viên Khoa Luật giao lưu với các báo cáo viên trong buổi Tọa đàm
 
Về cơ bản, quyền Sở hữu trí tuệ gồm có:
 
- Quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả: Những đối tượng của Quyền tác giả là Tác phẩm viết, Tác phẩm âm nhạc, Tác phẩm điện ảnh, Tác phẩm kiến trúc, Chương trình máy tính,... Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả là những Bản ghi âm, ghi hình, Cuộc biểu diễn, Chương trình phát sóng, Tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
 
- Quyền Sở hữu Công nghiệp là các Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, Thiết kế bố trí mạch tích hợp, Nhãn hiệu, Tên thương mại, Chỉ dẫn địa lý, Bí mật kinh doanh.
 
- Quyền đối với giống cây trồng là tổng hợp các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng do có việc chọn tạo, phát hiện, phát triển, sử dụng, chuyển giao cho người khác, để thừa kế, kế thừa  và quyền được bảo vệ khi quyền của tác giả, chủ văn bằng bảo hộ đối với giống cây ...
 
Cũng trong buổi tọa đàm, sinh viên Khoa Luật đã thể hiện sự am hiểu của mình về quyền Sở hữu trí tuệ qua phần trả lời những câu hỏi giao lưu với các báo cáo viên. Không chỉ đơn giản trả lời đúng quyền Sở hữu trí tuệ là một loại tài sản, hay những bài tiểu luận môn học thực sự là một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả,... mà các bạn sinh viên Khoa Luật còn bày tỏ được quan điểm, suy nghĩ và kiến thức của mình đối với những vấn đề được các báo cáo viên đề cập đến trong chương trình.
 
Sinh viên Nguyễn Ngọc Linh Chi (Lớp K22 VLK1) chia sẻ: “Buổi nói chuyện ngày hôm nay thực sự rất hữu ích đối với những sinh viên học Luật như em. Bởi, thông qua những thông tin thu nhận được trong chương trình, chúng em có cái nhìn rõ hơn về tầm quan trọng của Sở hữu trí tuệ đối với các vấn đề trong đời sống để biết được những gì mình cần tránh, không xâm phạm, bảo vệ được quyền lợi đối với những sản phẩm của bản thân,... Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để sinh viên chúng em được trò chuyện và giao lưu trực tiếp với những chuyên gia trong ngành để học hỏi thêm những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích.”
 
(Truyền Thông)