Tài liệu khác
Tư duy Khởi nghiệp Sáng tạo trên thực tế trông như thế nào? (Phần 1)
09/03/2021
1. Những sai lầm trong tư duy nào mà những người khởi nghiệp sáng tạo mắc phải
a. Lảng tránh đề cập đến khách hàng
Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi, FiNNO và những tổ chức ươm tạo, những doanh nghiệp đang thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và trên thế giới luôn luôn phải đối mặt. Đôi khi chúng tôi, đôi khi những nhà sáng lập vì một lý do “thần bí” nào đó, luôn “thao thao bất tuyệt” về khả năng thành công của ý tưởng, nhưng khi được hỏi về khách hàng, chúng ta có cảm giác khá ngại và luôn lảng tránh sang một câu chuyện khác. Vì sao thế?
Trong báo cáo của CB Insights năm 2019 đã chỉ ra những nguyên nhân các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thất bại [8], trong đó lý do cao nhất dẫn đến việc một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thất bại: bán thứ khách hàng không cần. Nỗi sợ tiếp cận với khách hàng có thể giải thích một cách đơn giản bởi vì chúng ta luôn e ngại những gì chúng ta không hiểu, hay trên thực tế, chúng ta không biết nên hiểu gì từ khách hàng, việc dễ dàng nhất có thể làm đó là xây dựng sản phẩm, dịch vụ dựa trên các giả thuyết của riêng chúng ta.
Trong phân khúc khách hàng trong mô hình kinh doanh, việc hiểu rõ khách hàng là ai, họ đang có vai trò thế nào đối với sản phẩm, dịch vụ trong mô hình kinh doanh của chúng ta là một việc quan trọng. Và việc có thể truyền đạt, minh họa những gì chúng ta hiểu cho đồng đội, những người tư vấn, những người góp vốn sẽ là điểm khởi đầu để nhận được phản biện, góp ý.
Vậy chúng ta phải hiểu gì từ khách hàng, từ người dùng?
b. Môi trường thiếu tinh thần phản biện
Để có thể có một mô hình kinh doanh thành công, chúng ta không thể từ một ý tưởng ban đầu mà thành công được. Hãy nhìn vào AirBnB [3], có thể thấy rằng họ đi đến ý tưởng thành công hiện đại thông qua việc chuyển đổi rất nhiều mô hình kinh doanh dựa trên các ý tưởng khác nhau trong quá trình phát triển khách hàng. Vì sao ý tưởng có thể biến đổi? Nhiều lý do, trong đó tinh thần phản biện trong các thành viên là một các động lực lớn (bên cạnh tư duy sáng tạo) để doanh nghiệp chúng ta thông qua quá trình phát triển khách hàng tạo ra, kiểm chứng liên tục ý tưởng mới, mô hình mới.
Sáng tạo và Phản biện là 2 nền tảng tư duy chính trong quá trình tư duy khởi nghiệp sáng tạo. Trên thực tế, trong quá trình sáng tạo, chúng ta đều trải qua quá trình tư duy sáng tạo 2 pha:
- Tư duy Phân kỳ – Divergent Thinking [4, 5]: là quá trình tư duy sáng tạo tìm kiếm ý tưởng dựa trên việc mở rộng khai phá các ý tưởng khác nhau một cách linh hoạt, tự nhiên, thoái mái [4], bỏ qua quá trình phán xét tính hợp lý, đúng – sai.
- Tư duy Hội tụ – Convergent Thinking: quá trình tư duy trong đó đặt việc lựa chọn và đánh giá ý tưởng [2], tổng hợp, thể hiện và hình thành các ý tưởng mới [6]
Nằm giữa 2 pha tư duy, đó chính là quá trình chúng ta “chửi lộn” – à nhầm – phản biện, để từ rất nhiều ý tưởng chúng ta lựa chọn những ý tưởng, mô hình phù hợp để kiểm chứng. Quá trình phản biện đòi hỏi những người sáng lập chúng ta phải tạm thời bỏ cái tôi, thiên kiến cá nhân, cố gắng tìm ra những “lỗ hỏng”, khuyết điểm của ý tưởng, đặt câu hỏi, trả lời, tiếp tục đặt câu hỏi,… Từ đó có thể chuyển đổi rất nhiều ý tưởng thành mô hình kinh doanh có thể tạo được giá trị. Vậy điều gì sẽ xảy ra trong một môi trường thiếu đi tư duy phản biện?
Dĩ nhiên là ý tưởng nào cũng “tốt”, và không có một sự đồng thuận nào có thể diễn ra, dẫn đến cả nhóm, cả doanh nghiệp phân tâm với quá nhiều ý tưởng, quá nhiều mục tiêu. Vậy theo các bạn, điều đó có tốt hay không?
Vậy đâu là các môi trường thiếu tư duy phản biện? Thực ra, câu trả lời không nằm ở vấn đề môi trường, câu trả lời nằm ở chính chúng ta. Mục tiêu của chúng ta khi khởi nghiệp sáng tạo là gì? Là tạo ra giá trị giải quyết vấn đề, đáp ứng nhu cầu từ thị trường, hay chỉ để được hưởng thụ những “tiến-bộ-giả” *[7] do hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mang lại? Nếu vì thị trường, vì khách hàng, hãy tự phản biện và hình thành những giả thuyết mới và kiểm chứng với thị trường, lặp đi lặp lại quá trình đó.
(*) Adora Cheung – đối tác của Y Combinator – chỉ ra một số điều có thể làm xao nhãn nhà sáng lập khỏi mục đích chính của việc khởi nghiệp sáng tạo: tham gia quá nhiều cuộc thi khởi nghiệp, hội thảo khởi nghiệp, vinh danh, quá nhiều người tham vấn,…
Lưu ý: một số từ ngữ tương ứng Anh – Việt được sử dụng trong bài viết:
- Startup: Khởi nghiệp Sáng tạo
- Entrepreneurial Mindset: Tư duy Nghiệp chủ
- Innovation: Đổi mới sáng tạo
(Còn tiếp...)
Bài viết liên quan
- CEO Vintech City Trương Lý Hoàng Phi: Biên giới của mỗi con người nằm ở chính tư duy của người đó
- [ SÁCH ] KHỞI NGHIỆP VỚI 100$
- [ Câu chuyện kinh doanh ] 3 nhà băng lớn nhất Nhật Bản 'mắc kẹt' với tỷ phú Masayoshi Son: Softbank là khách hàng 'sộp' suốt 4 thập kỷ, đã cho vay tới hàng chục tỷ USD
- [SÁCH] 10 Lời Khuyên Khởi Nghiệp
- Nữ lãnh đạo gốc Việt chia sẻ về văn hóa lãnh đạo tại Google: Sếp chỉ tập trung hỗ trợ nhân viên làm việc, kích hoạt tiềm năng của họ còn tất cả những công việc khác đã có... máy lo