eMagazine
Covid-19 là cuộc "thử lửa" ý chí các nhà lãnh đạo: 3 lời khuyên thấm thía giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng từ tỷ phú nổi tiếng Nhật Bản
28/03/2020
Khi "cơn sóng thần" Covid-19 đang đe doạ mọi ngành nghề, các chủ doanh nghiệp là những người phải mất ăn mất ngủ nhất vì vừa phải lo cách để công ty tồn tại, vừa phải bảo đảm thu nhập cho nhân viên. Đọc bao tin tức về sự lao đao của doanh nghiệp những ngày này, tôi chợt nhớ đến vị doanh nhân nổi tiếng "giỏi vượt khó" của Nhật Bản: Inamori Kazuo.
Hơn nửa thế kỷ trước, có một người Nhật Bản từ tay trắng, vượt qua bao cơn bão của cuộc đời lẫn thương trường để tạo nên doanh nghiệp tỷ đô la. Ông là Inamori Kazuo, lão đại thụ kinh doanh của Nhật Bản được xếp vào danh sách những doanh nhân tài ba nhất Nhật Bản sau thế chiến 2, ngang hàng với các nhà sáng lập tập đoàn Sony và Honda. Không chỉ tự gây dựng 2 đế chế tỷ đô là công ty gốm sứ Kyocera và tập đoàn viễn thông KDDI, ông cũng chính là người đã vực dậy hãng hàng không Nhật Bản (JAL) từ trên bờ vực phá sản.
Nổi tiếng là doanh nhân "giỏi vượt khó", ông chia sẻ những kinh nghiệm vượt qua khó khăn, khủng hoảng trong cuốn sách "Triết lý kinh doanh của Kyocera":
1. Phát huy tinh thần sáng tạo, đừng sợ những ngã rẽ mới, hãy khai phá con đường chưa từng có ai bước qua
Năm 1984, Inamori Kazuo thành lập Daini-Denden, một công ty tư nhân đầu tiên tham gia lĩnh vực viễn thông. Từ sau thời Minh Trị, trong suốt 100 năm ngành viễn thông của Nhật Bản đã chịu sự độc quyền của một công ty điện thoại viễn thông của nhà nước. Khi chính phủ cho phép tự do hoá thị trường vào đầu thập niên 1980, Inamori Kazuo đã quyết định vào cuộc.
Thời điểm đấy, vị doanh nhân này đã qua tuổi 50 và "không hề biết gì về ngành viễn thông cả". "Chúng tôi đã nhảy vào một thế giới tối đen như mực mà không hề biết gì về nó", ông kể lại, "chỉ có trong tay thứ vũ khí duy nhất là triết lý Kyocera và dũng cảm đương đầu với khó khăn".
"Tôi điều hành công việc kinh doanh giống như đi giữa biển rộng tối tăm mà không hề có bản đồ biển trong tay. Ngoài ra để công ty có thể sống sót, tôi cũng đã luôn bước đi trên những con đường mới", ông kể.
Một ví dụ khác. Công ty gốm sứ Kyocera lu ô n luôn không ngừng mở rộng, thay đổi công nghệ. "Liệu có thể mang công nghệ gốm ứng dụng vào những lĩnh vực nào nữa?", Inamori Kazuo rất thường nghĩ đến câu hỏi này. Một lần, trong khi đang sang thị trường Mỹ, ông bắt gặp linh kiện bán dẫn và bắt đầu sử dụng gốm để sản xuất phần đầu của những linh kiện bán dẫn này, từ đó mở ra một hướng phát triển kinh doanh mới.
Kinh tế khủng hoảng cũng là thời điểm vàng cho những sáng tạo mới, biết đâu, đây lại là bước ngoặt cho giai đoạn phát triển đột phá của công ty bạn? Chuyển hướng sang lĩnh vực khác? Đổi mới công nghệ? Nâng cấp quy trình làm việc? Tìm phương thức phục vụ khách hàng tốt hơn? Hẳn bạn còn nhớ sáng kiến bánh mì thanh long của ông "vua bánh mì" Kao Siêu Lực chứ?
"Khai phá một lĩnh vực hoàn toàn mới chưa ai chạm tay đến là điều không hề dễ dàng. Nó giống như chúng ta đang đi giữa đại dương bao la mà không hề có bản đồ biển và la bàn", Inamori Kazuo nói. Nhưng chính ông cũng cho hay, "việc coi trọng sự sáng tạo, bước đi trên con đường của chính mình mà không có ai chỉ dẫn đã trở thành thói quen của chúng tôi".
2. Nhà lãnh đạo phải tự chấn chỉnh tinh thần trước tiên: Mạnh mẽ, không được phép bi quan
Inamori Kazuo sinh năm 1932, lớn lên trong thời kỳ gian khó của nước Nhật sau thế chiến thứ hai. Trong độ tuổi đi học, ông đã phải "mải mê tìm miếng ăn giữa những cánh đồng cháy rụi" của đất nước hoang tàn sau chiến tranh.
Thời trẻ của Inamori Kazuo vô cùng tối tăm. "Vào những năm cuối cấp một, tôi mắc bệnh lao và gần chết. Tôi đi thi hai lần vào trường cấp hai của chế độ cũ nhưng đều thất bại, đến cả khi thi đại học tôi cũng không thành công. Đến khi tốt nghiệp đại học, tôi lại không vào được công ty như mình mong muốn. Quả thật đó là thời thanh xuân có hết lần vấp ngã này đến cú sẩy chân khác", ông kể lại.
Những trải nghiệm đó đã hình thành nên phẩm chất kiên cường, giúp Inamori Kazuo vượt qua những khó khăn thương trường sau này. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kagoshima, Inamori Kazuo làm việc cho một công ty sản xuất gốm sứ ở Kyoto, làm nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ làm gốm. "Là sinh viên tốt nghiệp một trường đại học ở tỉnh lẻ, mãi mới tìm được việc làm, tôi đã thực sự lo lắng không biết cuộc đời mình sẽ ra sao", ông thuật lại. Nhưng ông đã kiên quyết "dành trọn sự tập trung của mình cho công việc nghiên cứu".
Nhờ vậy, ông có thành tựu nhất định trong nghiên cứu sản phẩm, sau này có cơ hội thành lập công ty gốm sứ của riêng mình - Kyocera. Ông áp dụng tinh thần vượt khó này để lèo lái công ty qua khó khăn, đặc biệt trong những cuộc khủng hoảng ngặt nghèo, cả thị trường "đóng băng" tưởng như không có lối ra nào.
"Khi công việc làm ăn không còn thuận lợi như thiếu đi một, hai nhân viên, tài chính cạn kiệt, có những doanh nhân ngay lập tức nói rằng "chẳng còn hy vọng gì cả" và quyết định từ bỏ", Inamori Kazuo kể trong "Triết lý kinh doanh của Kyocera", "Mỗi khi nghe ai đó nói đến: "Đến cả xe ô tô cũng bị tổ chức tín dụng tiêu dùng tịch thu, tôi chỉ còn lại nợ nần và một vài nhân viên. Thật sự là tôi phải từ bỏ thôi", tôi đều nghĩ rằng:
"Nếu không có ô tô thì vẫn còn xe đạp. Hơn nữa nếu không có tiền để mua xe đạp thì quanh thành phố có rất nhiều xe đạp bỏ đi. Sao không kinh doanh bằng chính những chiếc xe đạp như thế? Hay nói cách khác, những người làm ăn không thuận lợi thường tự tạo giới hạn cho bản thân mình. Ngay cả khi chẳng còn một xu nào, nếu cố gắng thì chúng ta vẫn sẽ thực hiện được".
"Không chỉ công ty chúng ta mà cả những công ty khác cùng ngành cũng đang rất gian nan", rất nhiều người sẽ nghĩ như vậy mà buông tay, không cố gắng nữa. Nhưng chẳng phải khó khăn mới là điều tạo nên sự khác biệt giữa người tầm thường và kẻ có ý chí mạnh mẽ hay sao?
"Dù ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế nào, người lãnh đạo tuyệt đối không được phép có cái nhìn bi quan về cuộc đời mình và tương lai của công ty. Bây giờ có thể các bạn cảm thấy khổ sở, khắc nghiệt; nhưng các bạn vẫn nên tin tưởng cuộc đời mình chắc chắn sẽ có màu của hoa hồng, sẽ mở ra một cách xán lạn; công ty mình từ nay sẽ phát triển", Inamori Kazuo nhấn mạnh.
3. Lấy "cái tâm" yêu thương, chân thành làm gốc
Cuối cùng, khủng hoảng chính là lúc doanh nghiệp nhìn lại và củng cố triết lý kinh doanh của mình. Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng chính triết lý kinh doanh là nguồn cảm hứng và nền móng vững chắc của một công ty. Tại sao bạn lại bắt đầu kinh doanh ngay từ ban đầu? Chẳng phải là từ niềm đam mê, từ việc yêu thích công việc thuần khiết hay sao? Liệu niềm tin và triết lý dày công xây dựng bấy lâu có dễ đổ vỡ trước những cơn khó khăn này hay không?
Là doanh nhân chịu ảnh hưởng nhiều bởi Phật giáo, Inamori Kazuo tâm niệm: "Cái tâm là điều quan trọng nhất trong công việc kinh doanh". Nếu tâm trong sạch, công việc kinh doanh sớm muộn gì cũng sẽ ổn định. Nhiều doanh nhân mong muốn kiếm được thật nhiều tiền dù phải đạp đổ hay ngáng chân kẻ khác, với những tư duy như vậy, công việc kinh doanh rồi sẽ gặp rắc rối.
"Sau khi bong bóng kinh tế vỡ (thời kỳ từ năm 1991 - 1993 ở Nhật Bản), có rất nhiều hành vi sai trái bị phát hiện và rất nhiều người đã phải chịu sự trừng phạt", Inamori Kazuo nói, "Dù cho ước vọng có mạnh mẽ tới đâu mà bắt nguồn từ tư lợi cá nhân thì cũng đừng mong có một thành công rực rỡ".
Mặt khác, nếu tâm của người doanh nhân tràn đầy yêu thương, thì hãy cứ yên chí tiếp tục nỗ lực, luôn biết ơn và tử tế với người tiêu dùng, đối tác, mọi người xung quanh và nhất là những nhân viên của mình, mọi chuyện rồi cũng sẽ thuận buồm xuôi gió.
Cuốn sách "Triết lý kinh doanh của Kyocera" đúc kết những trải nghiệm và triết lý kinh doanh của doanh nhân Inamori Kazuo, có thể coi là kết tinh của cả cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của ông trong hơn 80 năm qua. "Triết lý kinh doanh của Kyocera" là bức tranh chân thực về cách mà người lãnh đạo khởi tạo và thống nhất tư tưởng trong doanh nghiệp mình nhằm vươn tới những đỉnh cao. Không chỉ dành cho doanh nhân, những triết lý sâu sắc này còn hữu ích với tất cả mọi người, như giáo viên, học sinh cho đến người nội trợ...
Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết liên quan
- Hành trình chống bất bình đẳng giới trong khởi nghiệp nhìn từ Châu Phi
- Toyota rót tiền vào các công ty khởi nghiệp AI để tạo lợi thế trong lĩnh vực ô tô tự lái
- Tạo ra Hệ sinh thái khởi nghiệp "đầy sức sống" bằng cách nào?
- Những thiếu gia khởi nghiệp, vượt khỏi cái bóng 'công tử nhà giàu'
- Wolt - thế lực mới trong mảng giao đồ ăn châu Âu