eMagazine

'Nhà không có gì ngoài điều kiện', các nước châu Âu trả lương cho người lao động thay doanh nghiệp mùa dịch Covid-19

27/03/2020

Đây sẽ là những chương trình cứu trợ hào phóng và đắt đỏ nhất hành tinh mùa Covid-19.

'Nhà không có gì ngoài điều kiện', các nước châu Âu trả lương cho người lao động thay doanh nghiệp mùa dịch Covid-19

Trước những ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề mà dịch Covid-19 gây ra, chính phủ nhiều nước đều đã ban hành các biện pháp nhằm bảo vệ người lao động, doanh nghiệp. Tuy nhiên ấn tượng nhất phải kể đến chương trình cứu trợ của các nước châu Âu và Anh. 

Ngày thứ 5 vừa qua, chính phủ Anh đã tiết lộ những gì mà Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak mô tả là "chương trình hào phóng nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới" dành riêng cho 5 triệu lao động tự do ở Anh.

Theo đó, chính phủ Anh sẽ chi trả cho những người làm việc tự do 1 khoản trợ cấp 80% tiền lãi trung bình hàng tháng họ kiếm được, lên tới 2.500 bảng Anh (3000 USD mỗi tháng) trong 3 tháng tới.

Đây là khoản trợ cấp cực kỳ có ý nghĩa đối với hàng triệu người không làm việc toàn thời gian hoặc tự doanh như lái xe taxi, nhân viên giao đồ ăn, công nhân xây dựng, chủ nhà hàng, quán cà phê. Tất cả họ đều không thể có thu nhập khi chính phủ phong tỏa cả nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Trong nhiều trường hợp những người lao động phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Phải vi phạm lệnh phong tỏa để đi làm hoặc ở nhà và không có tiền. Trước tuyên bố vào ngày thứ 5, những người lao động tự do tại Anh chỉ nhận được khoản giảm trừ thuế và 94 bảng một tuần thông qua hệ thống phúc lợi quốc gia.

Josie Ferfuson - một nhân viên 24 tuổi trong ngành phim và truyền hình ở London nói rằng cô mất 700 bảng một tuần vì một bộ phim đang làm đã bị hoãn công chiếu.

"Mọi thứ đều ngừng hoạt động. Mọi người sẽ không nhận được lương và chúng tôi không có sự trợ giúp nào bởi vì chỉ là lao động hợp đồng". Dẫu vậy, Ferguson vẫn xem mình khá may mắn bởi cô có thể sống với bố mẹ và vẫn còn tiền tiết kiệm. Một vài người bạn của cô còn phải chật vật trả tiền thuê nhà.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, các công ty có 5 nhân viên trở xuống sẽ đủ điều kiện nhận gói trợ cấp 1 lần trị giá 9.000 euro (9.900 USD) trong khi những doanh nghiệp có 10 nhân viên sẽ nhận 15.000 euro. Chính phủ cũng bổ sung thêm 3 tỷ euro vào quỹ bảo đảm an ninh phúc lợi xã hội cho những người làm việc tự do.

Tại Pháp, những doanh nghiệp nhỏ và người làm tự do kiếm được ít hơn 60.000 euro một năm có thể nộp đơn xin trợ cấp 1.500 euro nếu họ buộc phải đóng cửa kinh doanh hay doanh thu giảm hơn 70% so với tháng trước đó.

Trong khi đó, là một phần của gói biện pháp khẩn cấp, chính phủ Pháp cho biết sẽ trả 84% lương cho bất kỳ nhân viên nào bị cho nghỉ việc tạm thời, lên tới 5.330 euro mỗi tháng thay vì 1.219 euro theo kế hoạch trước đó.

Ở Hà Lan, bất kỳ công ty nào dự kiến giảm doanh thu ít nhất 20% đều có thể xin trợ cấp để trả tới 90% tiền lương cho nhân viên trong ba tháng. Chính phủ sẽ tạm ứng tới 80% số tiền được yêu cầu.

Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá rất cao giải pháp mà nhiều nước châu Âu đang thực hiện nhằm cứu trợ doanh nghiệp và người lao động. Nó không chỉ cứu trợ nhanh chóng trong thời kỳ suy thoái đột ngột mà còn có tác dụng giúp các công ty khi hoạt động bình thường trở lại không mất thời gian tuyển dụng và đạo tạo nhân viên mới. 

Theo Trí thức trẻ/CNN/WSJ