eMagazine

Giới startup Việt đi qua bão táp năm 2020: Nhiều tên tuổi ghi danh trên đỉnh cao, không ít số phận rơi xuống vực sâu

18/01/2021

Giới startup Việt đi qua bão táp năm 2020: Nhiều tên tuổi ghi danh trên đỉnh cao, không ít số phận rơi xuống vực sâu

VNPay vừa trở thành "Kỳ lân" thứ hai của Việt Nam sau VNG.

Năm 2020 là một năm đầy khốc liệt với các SMEs nói chung và startup nói riêng tại thị trường Việt Nam. Khi Covid-19 ập đến một cách đầy bất ngờ, startup chính là thành phần kinh tế bị tổn thương nặng nề nhất. Với nguồn lực yếu, mô hình kinh doanh mới mẻ và đặc biệt là chưa có bất cứ kinh nghiệm nào trong việc ứng phó với các khủng hoảng mang tầm quốc tế như các “đồng nghiệp lão làng” ở các tập đoàn và công ty lớn; nhiều founder hoặc CEO đã thực sự choáng váng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các startup đều bị tác động giống nhau, tùy ngành nghề, mô hình kinh doanh và tài lèo lái của đội ngũ lãnh đạo; nhiều startup bị rơi xuống vực sâu, có người vươn đến đỉnh cao và số còn lại vẫn đang vật vã để sinh tồn.

Về những startup ghi danh trên đỉnh cao

Ngoài những cái tên sừng sỏ trong giới khởi nghiệp tại Việt Nam như Tiki, VNPay, còn có nhiều startup tốt trong ngành đang hưởng lợi từ Covid-19 như y tế, sức khỏe, giải trí số, thương mại điện tử, cùng những ngành vốn được ưa chuộng trước đại dịch như proptech, fintech, nhân sự…

Ở thời điểm nào, dù trước hay sau Covid-19, các nhà đầu tư cũng tìm kiếm các startup tốt trong các thị trường tiềm năng để ‘đánh cược’, chỉ là trong Covid-19, họ sẽ ưa chuộng các startup đang tăng trưởng vượt bậc ‘nhờ’ khủng hoảng so với trước kia. Các nhà đầu tư mạo hiểm thường nhìn vào dài hạn khi đầu tư, nhưng trong Covid-19, chỉ cần một chút lơ đễnh, startup nào có thể chết ‘bất đắc kỳ tử’.

Trong khủng hoảng, kết quả tức thời cũng quan trọng không kém tương lai dài hạn, muốn thành "Kỳ lân" hay "Siêu kỳ lân" gì đó thì trước tiên phải sống cái đã.

Có thể nói, tin tức quan trọng nhất của giới startup Việt Nam trong năm nay chính là việc VNPay trở thành "Kỳ lân" thứ hai sau VNG. Đã lâu lắm rồi, Việt Nam mới có thêm "Kỳ lân" nữa! Báo cáo eConomy SEA 2020 thực hiện bởi Google, Temasek và Bain & Company vào cuối năm 2020 cho thấy, Đông Nam Á hiện có 12 startup ‘Kỳ lân’, tăng thêm 1 startup so với năm ngoái, đó là VNPay của Việt Nam. Trong 6 thương vụ đầu tư ‘khủng’ nhất tại Việt Nam trong năm 2019, VNPay đứng đầu với 300 triệu USD huy động từ Vision Fund (SoftBank) và GIC Pte.

Trước đó, danh sách 11 startup kỳ lân theo báo cáo eConomy SEA 2019 gồm: Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka, Tokopedia và VNG. Nhìn vào danh sách, chúng ta có thể thấy các công ty có ‘quốc tịch’ Indonesia và Singapore chiếm đa số, đặc biệt không thấy xuất hiện các startup đến từ Malaysia và Thái Lan.

Còn Tiki chính là quán quân của công cuộc gọi vốn năm nay, khi vào giữa tháng 6/2020, theo nguồn tin của tờ Dealstreet Asia, Tiki đã huy động thành công thêm 130 triệu USD trong vòng huy động vốn mới nhất, dẫn đầu bởi quỹ tư nhân Northstar Group. Được biết, vòng huy động vốn này dự kiến sẽ có thể thu về 150 triệu USD nếu có thêm các nhà đầu tư quan tâm.

Vòng gọi vốn này của Tiki đã diễn ra khá lâu, kéo dài từ năm 2019 sang 2020, nên rất khó để xác định nó thuộc năm nào, cũng như số tiền cụ thể.

Giới startup Việt trong năm 2020: Nhiều người lên thiên đàng, lắm kẻ xuống vực sâu - Ảnh 1.

Siêu Việt Group nhận 34 triệu USD tiền đầu tư trong năm 2020.

Tiếp theo là Siêu Việt Group nhận 34 triệu USD. Vào tháng 2/2020, Affirma Capital công bố thông tin đầu tư 34 triệu USD vào Công ty Nhân sự Siêu Việt (Siêu Việt Group) - đơn vị sở hữu TimViecNhanh, Vieclam24h, MyWork và ViecTotNhat. Thương vụ này là khoản đầu tư thứ 5 của Affirma Capital tại Việt Nam kể từ năm 2014, sau N Kid Corporation, Online Mobile, Tập đoàn Lộc Trời và Golden Gate Group.

Propzy – startup trong lĩnh vực proptech kêu gọi thành công 25 triệu USD tiền đầu tư trong vòng gọi vốn Serie A, do Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia dẫn đầu. Các nhà đầu tư khác gồm Next Billion Ventures, RHL Ventures, Breeze, FEBE Ventures, RSquare và Insignia.

OnPoint cùng Beta Media cũng gọi thành công 8 triệu USD, VN Trip được rót 7 triệu USD từ vòng gọi vốn Serie B, F88 cũng thông báo nhận thêm 6 triệu USD trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ ba từ 2 quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III và Granite Oak, Okxe Việt Nam huy động được 5,5 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A từ các nhà đầu tư nước ngoài…

3 thương vụ đầu tư còn lại trong Top 10 (không kể Tiki) trong năm nay là: Riviu có 3,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại, BuyMed nhận 2,5 triệu USD trong vòng tiền Serie A – được dẫn dắt bởi chương trình tăng tốc khởi nghiệp Surge của Sequoia Capital Ấn Độ và Genesia Ventures; JobHopin được đầu tư 2,45 triệu USD từ Sema Translink, KK Fund, Mynavi Corporation, Edulab Capital Partners, NKC Asia, Canaan Capital và một số nhà đầu tư thiên thần của Việt Nam.

Về những startup rơi xuống vực sâu

Trừ những startup bị Covid-19 đánh trực tiếp như du lịch – xuất khẩu, giáo dục, bất động sản văn phòng…; những người còn lại chết là bởi tình hình kinh doanh đã tệ trước đó và con virus Corona chỉ là giọt nước làm tràn ly. Tức là, nếu không có Covid-19, các startup đang trên đà lụn bại may ra có thể lay lắt thêm 2 đến 3 năm nữa, chứ không phải chết ngay trong năm 2020.

Thêm nữa, với những ‘bê bối’ của WeWork, Uber ở thị trường quốc tế hay Món Huế tại Việt Nam trong năm 2019, các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn khi xuống tiền khiến quá trình gọi vốn của startup ngày càng khó khăn hơn.

Giới startup Việt trong năm 2020: Nhiều người lên thiên đàng, lắm kẻ xuống vực sâu - Ảnh 2.

Việc WeFit phá sản khiến nhiều người trong giới startup cảm thấy nuối tiếc.

Dù không có con số chính thức đã có bao nhiêu startup ‘hy sinh’ trong năm 2020, nhưng chắc chắn 3 cái tên ‘xuống vực sâu’ và gây tiếc nuối nhất chính là WeFit, Lefair và Lamita. Một câu bông đùa thịnh hành gần đây chính là: Startup miễn sao không nổi tiếng trên truyền thông - như được Forbes bình chọn, hay gọi vốn thành công ở Shark Tank - là không chết. Ai cũng có thể chết vào bất kỳ lúc nào nếu không tỉnh táo.

Nguyễn Khôi – Founder kiêm CEO WeFit từng được Forbes bầu vào danh sách 30 Under 30 năm 2018. Đầu năm 2019, WeFit thông báo gọi vốn được một triệu USD trong vòng đầu tư pre-series A tiếp theo từ CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần khác. Và cũng trong năm 2019, họ chính thức lấn sân sang lĩnh vực làm đẹp và đổi tên công ty thành WeWow.

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ vào cuối năm 2019, khi có rất nhiều đối tác đứng lên tố WeFit không trả tiền đúng hạn cũng như nhiều khách hàng bắt đầu phàn nàn về dịch vụ của doanh nghiệp này. Đến tháng 11/5/2020, Công ty công nghệ Onaclover – chủ sở hữu của ứng dụng WeFit, tuyên bố chính thức phá sản.

Ở đây, chúng tôi sẽ không bàn về nguyên do khiến WeFit phá sản, vì truyền thông đã nói rất nhiều về đề tài này trong suốt một năm qua; chúng ta chỉ nói đến cảm xúc của giới khởi nghiệp khi chứng kiến startup hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ không còn nữa.

Theo đó, hầu hết mọi người đều cảm thấy bất ngờ và vô cùng tiếc nuối khi biết WeFit bỏ cuộc chơi. Bởi, để giữ cho một startup sống sót trong 4 năm và gầy dựng được lượng khách hàng vài trăm ngàn người là điều không hề dễ dàng. Khôi Nguyễn vẫn "im thin thít và lặn mất tăm” kể từ khi WeFit giải thể đến nay, tuy nhiên, với kinh nghiệm – tài năng – những mối quan hệ đã gầy dựng trong suốt nhiều năm vừa qua, có thể anh sẽ trở lại sớm thôi.

Giống WeFit, một startup nổi tiếng khác ở miền Bắc là Lamita đã có một năm 2020 vô cùng tồi tệ. Trong năm 2019, họ từng gọi vốn thành công trên chương trình Shark Tank khi Shark Liên và Shark Hưng đồng ý đầu tư 10 tỷ đồng cho 35% vốn cổ phần.