Bài học kinh doanh

HIỆU ỨNG “CON KHỈ THỨ 100”

10/09/2019

Năm 1952, các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu hành vi của Macasa Fuscata, một giống khỉ ở đảo Koshima. Họ cho những chú khỉ ở đây những củ khoai lang khá ngon nhưng còn vấy bẩn cát. Lũ khỉ thích thú với những củ khoai lang nhưng thấy khó chịu với cát bẩn bám đầy trên đó. Một con khỉ cái 18 tháng tuổi phát hiện ra nó có thể loại bỏ những vết bẩn bằng cách rửa sạch chúng với nước. Sau đó nó “dạy” “chiêu” này cho mẹ của nó và những con khỉ khác cùng lứa với nó bắt chước làm theo. Một số ít những con khỉ lớn hơn cũng “tò mò” học theo và biết cách rửa sạch khoai để ăn ngon hơn.

Mùa thu năm 1958, một vài điều khác lạ xảy ra. Một đám đông những con khỉ khác nữa cũng lại bắt chước theo và biết cách rửa khoai, ước chừng khoảng 99 con. Cho đến khi, một mức ngưỡng quan trọng xuất hiện. Con khỉ thứ 100 bắt đầu biết rửa khoai. Và từ lúc này, việc rửa khoai trước khi ăn đã lan ra những đảo khác mà không có sự giao tiếp,“chỉ dạy” nào giữa những chú khỉ ở đảo này với đảo kia. Việc rửa khoai đã trở thành một kỹ năng trong ý thức của bầy khỉ. Hiện tượng này được xem như hiệu ứng của "con khỉ thứ 100".

Về mặt tâm lý, hiệu ứng "con khỉ thứ 100" khá tương đồng với hiệu ứng tâm lý bầy đàn, tức trong cuộc sống sẽ có rất nhiều người hành xử đơn thuần là vì thấy người khác làm vậy. Nhưng hiệu ứng này có một điểm thú vị hơn nằm ở chỗ là nó có sự xuất hiện của điểm bùng phát - một hiệu ứng tâm lý khác nói về việc "khi lượng tích đủ thì chất biến đổi".

Điều này cũng có thể thấy rõ ràng trong "Thuyết cửa sổ vỡ" của hai nhà tội phạm học James Q. Willson và George Kelling.

Hai ông cho rằng tội phạm là hệ quả tất yếu của sự mất trật tự, vô tổ chức. Nếu một chiếc cửa sổ bị phá hỏng, vỡ vụn mà cứ để vậy không sửa chữa thì những người đi ngang qua sẽ kết luận rằng không ai quan tâm và không ai chịu trách nhiệm trước hiện trạng này. Rồi không lâu sau, nhiều cánh cửa sổ khác sẽ bị đập vỡ, dần dà ý thức về sự vô chủ, hỗn loạn sẽ lan rộng, truyền tải đi dấu hiệu về những gì đang diễn ra.

Cũng theo hai ông, trong một thành phố, những vấn đề tương đối nhỏ như sơn vẽ lên tường, gây mất trật tự công cộng và kiểu ăn xin “đểu” đều là những chuyện tương tự như những cánh cửa sổ vỡ, những “tấm vé qua cửa” cho ngày càng nhiều tội ác nghiêm trọng.

Ứng dụng hai thuyết này trong Quản trị Nhân sự, chúng ta có thể nhận ra: Sự tử tế hay sự vô tâm, văn hóa tốt hay tập quán xấu, hành động lịch sự hay hành động khiếm nhã,... tất cả đều có một điểm chung ở chỗ: khi có một số lượng người nhất định chấp nhận nó, nó sẽ trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống! Muốn xây dựng văn hóa công ty tốt, phải bắt đầu từ những bước nhỏ, người này làm gương cho người kia, và tuyệt đối không để một vài cá nhân làm ảnh hưởng xấu đến cả một bộ máy.

“Đừng nên xem nhẹ những chuyện nhỏ. Chúng có thể tạo nên những biến đổi to lớn” - Malcolm Gladwell đã viết trong The tipping point như vậy đấy.